Cẩm nang

Đức Phật & Sữa Dê

Trong lịch sử Phật giáo có một tình tiết thú vị là Thái tử Tất Đạt Đa (con vua Tịnh Phạn của nước Ấn Độ xưa, sinh năm 624 trước CN) sau sáu năm tu hành khổ hạnh trên núi không thành, khi ra khỏi rừng sâu đến bên bờ sông Ni-liên-thiền tắm rửa thì tay chân và thân thể không còn sức, Ngài ngã xuống đất hôn mê, thì may sao có một người nữ chăn dê tên là Tu-xà-đa thấy thế liền mang sữa dê đến cho Thái tử uống. Sau khi uống sữa dê xong, Thái tử dần dần hồi phục được sức khỏe và Ngài đã ngồi thiền 49 ngày dưới gốc cây Bồ Đề rồi đắc đạo thành Phật (hiệu là Thích Ca Mâu Ni). Sự kiện này cũng trùng hợp với nhiều tài liệu khoa học cho thấy rằng nơi thuần hóa con dê đầu tiên là vùng núi Tây Á …

Nguồn gốc của Đức Phật giáo chủ Phật giáo

Theo lịch sử Phật giáo (xem tài liệu “Khái niệm cơ bản về niềm tin phật giáo” của Pháp Sư Quảng Tịnh trên http://tuvien.com/phat_hoc/show.php?get=1&id=154niemtinpg02) thì Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni (vốn là Thái tử Tất Đạt Đa) sinh vào ngày rằm tháng tư (âm lịch) năm 624 trước Công nguyên. Phụ thân của Ngài là vua Tịnh Phạn (Shuddhdara) trị vì vương quốc Ca-tỳ-la-vệ (hiện nay ở phía nam nước Nepal, lúc bấy giờ thuộc lãnh thổ Ấn Ðộ). Mẫu thân là phu nhân Ma Đa – công chúa thành Thiên Tý (Devadaha), thuộc dòng tộc Câu-lợi (Koliya), là chị em cô cậu với vua Tịnh Phạn.

Thái tử khi sinh ra đã có 32 tướng tốt báo trước Ngài là một vị xuất chúng và Ngài sẽ thành Phật để dìu dắt muôn loài. Ngài sinh ra vừa được bảy ngày, mẹ Ngài từ trần. Bà dì Ngài là bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề nuôi nấng chăm sóc Ngài. Thái tử sống trong cảnh cực kỳ sung sướng và được sự nuông chiều hết sức của vua cha. Xung quanh Ngài luôn luôn có vũ nữ ngày đêm đờn ca xướng hát để làm vui lòng Ngài. Tuy nhiên, Thái tử vẫn trầm tư mặc tưởng. Trên mặt luôn luôn lộ nét buồn kín đáo và một đôi lần Ngài đã tỏ với vua cha xin đi xuất gia để tìm phương cứu mình, cứu đời. Đoán biết ý con, vua Tịnh Phạn sinh sợ sệt và tìm đủ mọi cách tăng thêm dục lạc, cưới vợ cho Thái tử, mong làm khuây được chí nguyện xuất gia của Ngài. Tuy vậy, sau nhiều lần mục kích những thảm trạng già, đau, bệnh, chết và sự bất công mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại, trong những cuộc du ngoạn ở bốn cửa thành, Thái tử Tất Đạt Đa cảm nhận được những nỗi thống khổ của con người, lòng thương chúng sanh trổi dậy. Với một ý chí cương quyết tìm chân lý, nên trong một đêm kia sau buổi yến tiệc linh đình, Ngài đã cưỡi ngựa Kiền Trắc vượt thành xuất gia với người hầu cận trung thành là Xa Nặc giữa lúc mọi người đang chìm trong bóng tối và mê man theo giấc ngủ. Ngài ra đi lúc 19 tuổi, ngày mồng tám tháng hai vào lúc giữa đêm.

Thái tử đi đến rừng sâu nơi cư trú của tiên nhân A-la-la-a-lam. Ông hướng dẫn cho thái tử làm thế nào cho phù hợp với phương pháp tu trì Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Thái tử cảm ơn, xúc động và khiêm cung nhận lời dạy bảo của tiên nhân, nhưng trong lòng vẫn chưa thõa mãn. Không bao lâu, thái tử từ giã tiên nhân A-la-la-a-lam đến một nơi khác tham học. Về sau, thái tử  lại đến tham vấn tiên nhân Uất-đầu-lam-phất. Cũng như vậy, ông ta cũng không có phương pháp nào để giải trừ những nghi hoặc trong lòng của thái tử. Trải qua năm năm cầu học với nhiều thầy, Ngài hiểu rất rõ tình hình tu hành của họ. Hơn nữa, Ngài đã thực hành con đường tu tập của họ và cũng trải qua cảnh giới chứng đắc của họ. Song, cuối cùng Ngài nhận ra được các phương pháp tu hành này đều không phải con đường đưa đến giác ngộ rốt ráo. Ngài liền đến phía đông bờ sông Ni-liên-thiền (nhánh sông Hoàng Hà) chọn một nơi trong rừng sâu núi Già-da rồi quyết chí tu hành triệt để con đường khổ hạnh.

Lúc bấy giờ, năm anh em nhà ông Kiều Trần Như nghe thái tử tu hành ở núi Già-da liền đến tu hành cùng thái tử. Thái tử ở trong rừng ăn rất ít, thậm chí một ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt lúa tẻ. Vì thế, thân thể của Ngài ngày càng gầy gò ốm yếu, mắt hóp sâu, xương gò má lòi cao. Khổ hạnh như vậy được sáu năm nhưng vẫn chưa khai ngộ, thái tử tự xét lại mình, biết rằng khổ hạnh không phải là phương pháp cứu cánh. Vì vậy, Ngài ra khỏi rừng sâu, đến bên bờ sông Ni-liên-thiền tắm rửa cấu bẩn trên thân thể. Bất ngờ, tay chân và thân thể không còn sức, Ngài ngã xuống đất hôn mê. Khi ấy maysao có một người nữ chăn dê tên là Tu-xà-đa (Sujata) thấy thế liền mang sữa dê đến cho thái tử uống. Sau khi uống sữa dê xong, thái tử dần dần hồi phục được sức khỏe. Năm vị xuất gia theo hầu trước kia, thấy thái tử nhận sữa cúng dường của người nữ chăn dê, cho rằng thái tử đã thối thất tâm đạo, liền bỏ Ngài ra đi. Thái tử cũng không biện bạch, một mình đi đến gốc cây Tất-bát-la bên bờ sông (sau khi đức Phật thành đạo đổi tên là cây Bồ Đề) ngồi kiết già, phát lời thệ nguyện: “Máu có thể cạn, thịt có thể rữa, xương có thể khô, nhưng nếu không giác ngộ, ta thề không rời khỏi chỗ ngồi này!”. Thái tử ngồi thiền qua bốn mươi tám ngày, cuối cùng vào đêm ngày thứ  bốn mươi chín (mồng tám tháng mười hai âm lịch), khi sao mai vừa mọc thì hốt nhiên đại ngộ. Ngài  chứng được Tam minh thành bậc giác ngộ A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni; chúng ta gọi là Phật Ðà. Lúc này, Ngài mới ba mươi tuổi.

Rõ ràng Thái tử Tất Đạt Đa là một con người có thật trong lịch sử, bằng da bằng thịt, có mẹ, có cha, có ngày sinh tháng đẻ, có vợ và có con. Chuyện này cũng giống như ở nước ta không ai có thể phủ nhận Đức vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là nhân vật có thật trong lịch sử. Sau khi hoàn thành sự nghiệp vẻ vang đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, đem lại quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân Đại Việt, Đức vua đã từ bỏ ngai vàng (lúc 35 tuổi) vào Yên Tử tu hành… Vua Trần đi tu, không phải để trốn đời, yếm thế, mà đi tu để nhập thế, cứu đời. Làm vua chỉ chăn dân trăm họ, làm Phật cứu độ cả muôn loài. Nếu như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đắc đạo thành Phật là nhờ vào phép tu Thiền Định dưới gốc cây Bồ Đề thì Vua Trần cũng tu thiền, lấp pháp tu thiền để đạt đạo trên non Yên Tử. Ngài đã hoàn thiện hệ thống giáo lý của Pháp phái Trúc Lâm. Ngài xứng danh là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của nước Việt ta.

Những chuyện kể trên thuộc về lịch sử Phật giáo, tôi không dám đi sâu và xa hơn nữa vì biết rằng mình vô thư vô sách. Tuy nhiên, có một điều thú vị trong câu chuyện đó đối với tôi là tình tiết về sữa dê. (Na-mô-a-di-đà Phật), tôi xin được kể lại chuyện này không phải để quảng bá cho chất lượng thần diệu có khả năng cải tử hoàn sinh của sữa dê, mặc dù sữa dê tốt thật. Số là, khi tôi nghiên cứu về nguồn gốc của con dê nhà thì rất khó xác định được thật chính xác thời gian và địa điểm lần đầu tiên con người thuần hóa dê. Trong nhiều tài liệu có được thì có những tài liệu cho rằng nơi thuần hóa dê đầu tiên là vùng núi Tây Á vào thiên niên kỷ thứ 7-9 trước Công nguyên. Thực tế ngày nay còn cho thấy nhiều loài dê nguyên thủy với số lượng lớn vẫn đang sống ở vùng thung lũng đầu nguồn sông Ấn và ở những dãy núi nằm ở phía đông con sông này. 

Có gì liên quan giữa câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa đi tu với nguồn gốc thuần hoá của con Dê?Lịch sử tôn giáo một phần cũng là sự phản ánh tồn tại lịch sử xã hội. Trong câu chuyện trên tình tiết Thái tử được mời uống sữa dê đã phản ánh một thực tế là dê đã được nuôi để vắt sữa thời đó ở vùng đất Phật vì nếu không thì không ai có được khái niệm về sữa dê để viết về điều này trong kinh Phật. Nói một cách khác, bằng cách suy luận biện chứng lịch sử, từ câu chuyên trên chúng ta có thể  tin rằng ít nhất cách đây trên hai ngàn sáu trăm năm thì dê sữa đã được nuôi ở vùng Tây Á. Luận cứ này này tôi không viết trong “Giáo trình chăn nuôi dê…” mà chỉ viết ra đây để cùng bàn luận.. 

(Sưu tầm)

Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Quý vị copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn gmbfood.com.vn như một sự tri ân với tác giả. Xin cảm ơn!
Copyright © 2022 - 2023 | gmbfood.com.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status